Thương lái không thể đến thu mua vì lệnh giãn cách, đầu ra vụ lúa Hè Thu khó khăn

Thời gian giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phía Nam đang khiến hoạt động thu mua lúa Hè Thu bị gián đoạn, việc xuất khẩu gạo cũng không thể thực hiện theo đúng hợp đồng khiến nông dân và doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổng diện tích xuống giống vụ Hè Thu 2021 toàn vùng Nam Bộ gần 1,6 triệu ha, giảm 0,7% so với vụ Hè Thu 2020 nhưng nhờ năng suất tăng 1,14 tạ/ha, ước đạt 56,5 tạ/ha nên sản lượng vụ Hè Thu 2021 vẫn đạt hơn 9 triệu tấn, tăng 1,3% so với vụ Hè Thu 2020.

Riêng vùng ĐBSCL, vụ Hè Thu 2021 xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 9.000 ha; năng suất ước đạt 56,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 8,6 triệu tấn, tăng 124.000 tấn.

Tuy nhiên, việc thu hoạch vụ Hè Thu trong bối cảnh 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 khiến đầu ra lúa gạo đang nhiều gặp khó.

Chia sẻ với người viết, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, cho biết: “Vụ lúa hè thu đang thu hoạch nhưng không triển khai được do các tỉnh thành cấm các ghe qua lại giữa các tỉnh. Trong khi các cảng cũng không tiếp nhận hàng đóng tại cảng khiến hoạt động xuất khẩu tê liệt”.

Theo ông Có mặc dù nông dân vẫn ra đồng thu hoạch lúa được nhưng các thương lái không đến mua hoặc nhận hàng được. Điều này đồng nghĩa với việc người nông dân sẽ thiệt hại rất lớn vì thiếu nơi chứa hàng, thời tiết không thuận lợi cho việc làm khô hàng hoá.

“Nếu thu hoạch tại chỗ và sấy khô hàng hoá theo truyền thống trước đó có thể mất đi 30% thu hoạch sản lượng bởi hao hụt và thiếu nhân lực. Tình trạng này kéo dài, các nhà máy sẽ phải đóng cửa, an ninh lương thực trong nước không đảm bảo.

Đợt này là lần khó khăn nhất trong 15 năm kinh doanh xuất khẩu gạo, tôi cho rằng nên xem xét cho các thương lái các tỉnh vào thu mua hàng thời điểm này, đảm bảo quy định 5K của Bộ Y tế.

Bởi nếu không được thu mua vụ lúa hè thu này sẽ thiệt hại rất nặng và người nông dân sẽ không còn vốn để tái canh tác cho vụ mùa sau”, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE chia sẻ.

Thương lái không thể đến thu mua vì lệnh giãn cách, đầu ra vụ lúa Hè Thu tắt nghẽn - Ảnh 1.Việc thu hoạch vụ Hè Thu trong bối cảnh 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 khiến đầu ra lúa gạo đang nhiều gặp khó. (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Trong khi đó, ông Có cho biết trên thị trường xuất khẩu, hiện tại giá gạo quốc tế đang ở mức rất thấp do đang mùa thu hoạch. Các nước nhập khẩu gạo lớn như Indonesia, Philippines dịch bệnh nặng nên nhu cầu giảm.

Theo dữ liệu của Refinitiv, giá gạo xuất khẩu tại các trung tâm gạo hàng đầu châu Á tuần này lao dốc mạnh.

Theo đó, gạo 5% tấm của Việt Nam chạm đáy 16 tháng, là 395 – 400 USD/tấn, so với mức 465 – 470 USD/tấn cách đây một tuần.

Gạo cùng loại của Thái Lan thậm chí thấp nhất 20 tháng, là 395 – 400 USD/tấn, trong khi các đây một tuần là 405 – 412 USD/tấn và gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ thấp nhất 16 tháng, là 361 – 366 USD/tấn, so với 364 – 368 USD của tuần trước.

Hàng năm, giá gạo châu Á thường giảm vào khoảng tháng 6 – 8. Cả Thái Lan và Việt Nam đều đang thu hoạch lúa trái vụ còn Ấn Độ cũng vừa kết thúc vụ lúa rabi trái vụ.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng: “Bên cạnh yếu tố cung cầu, một nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam giảm mạnh là do các doanh nghiệp tự do nhập khẩu gạo Ấn Độ giá rẻ nên đã gián tiếp làm giá gạo Việt Nam sụt giảm”.

Lý giải điều này, theo ông Bình mặc dù dịch COVID-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, trong đó có lúa gạo nhưng khi hoạt động kinh doanh lúa gạo bị gián đoạn thì đúng ra sẽ khiến giá gạo tăng thay vì giảm như hiện nay.

“Ngành lúa gạo đang hết sức khó khăn bởi sự cạnh tranh khốc liệt của gạo giá rẻ Ấn Độ. Nếu không ngừng nhập gạo Ấn Độ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo có quy mô nhỏ lẻ rất khó gắng gượng”, ông Bình chia sẻ.

Theo các doanh nghiệp hiện các đơn vị chưa thể ký được hợp đồng xuất khẩu gạo do giá gạo xuất khẩu xuống quá thấp trong khi giá cước tàu biển, chi phí thuê container quá cao, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp…

“Đối với các hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp buộc phải hủy hết hợp đồng cũ và chưa thể ký hợp đồng mới do không biết khi nào mới giao hàng được”, ông Phan Văn Có cho biết.

Ông Có dự báo nhu cầu lương thực sẽ tăng cao trong khoảng tháng 9-10 nhưng theo các thương nhân giá lúa trong nước có thể sẽ tiếp giảm trong những tuần tới do nguồn cung từ vụ thu hoạch tăng lên, trong khi các biện pháp hạn chế di chuyển dự kiến vẫn được duy trì.

Trước những khó khăn của việc lưu thông lúa gạo, UBND tỉnh Đồng Tháp đã lên các kịch bản để thu hoạch, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ chỉ đạo nhiều ngành chức năng có liên quan hỗ trợ, giúp người dân, hợp tác xã từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ lúa gạo khi vụ thu hoạch.

Tỉnh Đồng Tháp sẽ huy động các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản, thiết bị sấy nông sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân sơ chế, bảo quản.

Tỉnh An Giang cũng hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 để giúp dân thu hoạch 1,3 triệu tấn lúa hè thu sau khi thống nhất các kiến nghị của địa phương hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 theo hình thức mẫu gộp đối với người thu hoạch, vận chuyển, thương lái, doanh nghiệp đến địa bàn thu mua lúa hè thu 2021.

Các doanh nghiệp thực hiện vận chuyển và thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang đăng ký danh sách phương tiện vận chuyển đường bộ. Theo đó, Sở Giao thông vận tải sẽ hướng dẫn các thủ tục làm thẻ xanh vận chuyển hàng hoá đi qua các địa bàn đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Như Huỳnh

(Bài và ảnh theo vietnambiz.vn )

Messenger
Zalo
Gọi ngay
Form liên hệ

Để lại lời nhắn