HẠT GẠO QUÊ TA

Tuần rồi, chuỗi siêu thị Woolworths ở Sydney loan báo có bán gạo Việt Nam!
Mấy người bạn Việt bọn mình háo hức rủ nhau đi mua. Mình cũng vậy, đến Woolworths rất sớm, nhìn quanh, đinh ninh gạo Việt chắc dễ tìm vì có bao bì thế nào cũng mang dáng dấp Việt.
Tìm hoài không thấy, tưởng Woolworths nói xạo, có ít nói nhiều để câu khách. Ai ngờ “hắn” nằm chình ình ở đó, mang nhãn hiệu “Royal Feast” với hình một nữ vũ công đang uốn éo múa, trông cứ như gạo của Thái. Phải nhìn kỹ, thấy trên bao gạo có rõ ràng 3 chữ “Product of Vietnam”, mới biết đây chính là gạo của Việt Nam.
Mình mua một lúc 3 bao để ủng hộ đồng bào ĐBSCL vì biết chắc gạo jasmine này là giống gạo thơm ST25, sản xuất vào tháng 10 năm 2020.
NGÀNH LÚA GẠO CỦA ÚC
Lúa gạo chỉ là một ngành công nghiệp cây trồng rất nhỏ của Úc. Một ngành lúa gạo tý hon, chỉ đóng góp khoảng 0,4% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2017-2018 cho nước Úc.
Trong mùa vụ 2019–20 vừa qua, Úc chỉ thu hoạch được khoảng 57.000 tấn lúa!
Tuy nhiên vào những năm trước 2000, Úc đã từng sản xuất đến 1,2 triệu tấn lúa trên diện tích 150,000 ha, năng suất bình quân khoảng 8.8 tấn/ha. Trong thời kỳ này, ngành lúa nước của Úc có trị-giá-tại-nông-trại (farmgate) khoảng 250 triệu Úc kim (tương đương 3.000 tỳ đồng VN, năm 1994/95). Trị giá này tăng lên khoảng 600 triệu Úc kim sau chế biến thành thành phẩm. Úc xuất khẩu > 85% gạo, mang về 500 triệu Úc kim ngoại tệ.
Hơn 90% lúa nước Úc được trồng ở vùng Riverina (gồm các thị trấn Leeton, Griffith, Deniliquin và Coleambally) thuộc tiểu bang New South Wales (NSW), phần còn lại một ít được trồng tại tiểu bang Queensland, tiểu bang Tây Úc, và lãnh thổ Bắc Úc.
Lúa ở bang NSW được gieo từ tháng 10 đến tháng 12 và thu hoạch vào tháng 3 đến tháng 5 năm sau.
Giống lúa trồng tại Úc được chia thành 3 nhóm:
1. Nhóm lúa hạt ngắn/hạt nhỏ thuộc họ phụ japonica kiểu Nhật Bản (Short-Japanese style): Gồm các giống Millin, Opus…
2. Nhóm lúa hạt vừa (medium): Gồm các giống Amaroo, Illabong, Jarrah…
3. Nhóm lúa hạt dài thuộc họ phụ indica kiểu Úc (Long-Australian style): Gồm các giống Langi, Doongara, giống thơm Kyeema, Ali Combo, giống hạt nhỏ Bombia, Basmati…
Hầu hết gạo được sản xuất ở Úc là gạo hạt vừa, 91% vụ thu hoạch năm 2019 ở NSW là các loại hạt vừa hoặc hạt ngắn. Tuy nhiên những giống lúa trên khi bán ra thị trường đều mang tên thương mại của công ty SunRice là Sunwhite, Sunlong, Sungold hoặc Sunbrown, trong đó giống lúa hạt vừa Amaroo là giống chủ lực, chiếm 56.5% diện tích trồng lúa của Úc vào năm 2000-2001. Giống lúa Koshihikari cũng được trồng tại Úc để dành cho những món ăn đặc biệt của Nhật Bản như món Sushi và xuất khẩu.
Kể từ năm 2000, biến đổi khí hậu đã làm ngành trồng lúa nước tại Úc thay đổi, sản lượng lúa gạo và số nông trại trồng lúa cũng thay đổi lên xuống đột biến (Hình 1), Úc bắt đầu tăng dần nhập khẩu để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng trong nước và nhập khẩu.
ĐẶC TÍNH CỦA NGÀNH LÚA NƯỚC ÚC: NHU NHUYỄN NHANH NHẠY VỚI KHẢ NĂNG ỨNG PHÓ CAO
Vì tình hình thay đổi đột biến về khí hậu thời tiết, giá cả hàng hóa, và giá nước như vậy nên nông dân trồng lúa nước ở Úc phải rất nhanh nhạy trong quyết định việc sản xuất cây trồng nào cho mùa vụ. Muốn được vậy nông trại trồng lúa Úc phải luôn đầy đủ dụng cụ & máy móc để đáp ứng cho những loại cây trồng khác nhau như cây bông vải, cải dầu canola, đồng cỏ, rau quả, lúa mì… một khi quyết định không trồng lúa nước. Có nhiều nông trại còn chăn nuôi thêm bò và cừu. Trong những năm khô hạn (2007-08) số lượng nông trại trồng lúa gần như không có ai. Nhưng khi điều kiện mùa vụ tốt hơn – chẳng hạn như năm 2011-12 – thì số nông trại trồng lúa lên đến hơn 800 (Hình 1).
Ngoài tác động của khí hậu, giá cả, giá nước, những thay đổi trong công nghệ cũng làm thay đổi việc sản xuất lúa gạo. Trong những năm gần đây, phát triển công nghệ và việc phóng thích các giống bông vải mới đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo. Trong mùa vụ năm 2017-18, nông dân vùng Riverina bang NSW đã chọn trồng bông vải nhiều hơn trồng lúa. Liên tiếp trong 3 mùa vụ 2016-17, 2017-18 và 2018-19, thu nhập từ lúa gạo chỉ chiếm khoảng 20%, phần 80% tổng thu nhập còn lại đến từ các hoạt động khác ngoài lúa (Hình 2).
Năm nay, Bộ Nông nghiệp Úc dự báo niên vụ 2020/21 sản lượng lúa gạo sẽ được cải thiện vì Cục Khí tượng đã cho thấy trong năm này lượng nước mưa có thể tăng. Điều này sẽ nâng cao khối lượng và giá trị của các loại cây trồng như lúa nước. Một khi lượng mưa nhiều hơn, giá nước sẽ giảm dẫn đến việc nhiều nông trại sẽ quyết định trồng lúa, đưa sản lượng gạo tăng.
Dự báo ngành lúa nước Úc sẽ tăng từ 57.000 tấn trong năm 2019–20 lên khoảng 266.000 tấn (tối đa 400.000 tấn) trong năm 2020–21 (Hình 3). Tuy vậy vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm (2008-2018) vừa qua là 629.000 tấn.
ÚC LÀ NƯỚC TRỒNG LÚA TÝ HON NHƯNG LẠI LÀ ĐẠI GIA XUẤT KHẨU
Úc có thị trường gạo khoảng 700-800.000 tấn/năm trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 300.000 tấn và xuất khẩu khoảng 350.000 tấn/năm trong suốt 10 năm qua. Khoảng một nửa khối lượng của thị trường gạo ở Úc là nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu gạo hạt dài như basmati hoặc jasmine; và nửa còn lại sản xuất trong nước, chủ yếu gạo hạt ngắn và hạt vừa. Vào những năm hạn hán, Úc cũng có thể nhập khẩu thêm gạo hạt vừa. Trong những năm gần đây, khoảng 74% sản lượng gạo của Úc đều được xuất khẩu, nhưng tỷ lệ này thay đổi theo từng mùa. Úc là một đại gia xuất khẩu loại gạo hạt vừa, chiếm khoảng 5% tổng lượng xuất khẩu gạo hạt vừa và ngắn trên thế giới, và 0,4% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu vào năm 2019.
Ở thị trường thế giới, Úc cạnh tranh chủ yếu với Trung Quốc và Hoa Kỳ trên thị trường gạo hạt vừa (Hình 4).
Các thị trường xuất khẩu chính là Trung Đông và Châu Đại Dương (Hình 5).
TRIỂN VỌNG NÀO CHO GẠO VIETNAM TRONG THỊ TRƯỜNG ÚC?
Mặc dù sản xuất lúa gạo trong nước có nhiều biến động, nhưng vì tiêu thụ và xuất khẩu ổn định, nên việc dự trữ và nhập khẩu gạo của Úc trở nên cực kỳ quan trọng, đặc biệt Úc chỉ trồng lúa mùa, 1 vụ/năm từ mùa xuân năm trước (tháng 10-12) và thu hoạch vào mùa thu năm sau (tháng 3-5) nên rất dễ tính toán số lượng phải nhập khẩu bao nhiêu.
Sau năm 2000, Úc tăng dần lượng gạo nhập khẩu do tình hình sản xuất không ổn định trong nước, và gạo Việt Nam cũng được nhập khẩu vào Úc từ đó, với một lượng nhỏ so hơn nhiều so với Thái Lan, Ấn Độ, và Pakistan (Hình 6).
Gạo Việt Nam nhập khẩu vào Úc được đóng bao 10kg, 20kg có bao bì mang dáng vẻ như gạo Thái Lan (Hình 7,8,9), không gây ấn tượng đặc biệt nào cho người tiêu dùng bằng bao bì gạo của Cambodia (Hình 10).
Hình 7
Hình 8
Hình 9
Hình 10
Dù là một nước trồng lúa nước tý hon, nhưng thị trường gạo của Úc – đặc biệt thị trường gạo hạt vừa và hạt ngắn – lại vô cùng to lớn, trong đó Úc chiếm đến 5% lượng nhập khẩu gạo hạt vừa thế giới.
Nếu Việt Nam biết cách hợp tác với Úc, vừa sản xuất lúa hạt dài jasmine để xuất khẩu sang Úc cho tiêu thụ nội địa như đang làm, lại sản xuất thêm lúa hạt vừa để Úc tăng cường xuất khẩu hạt vừa cho thị- trường-7-triệu-tấn-gạo-hạt-vừa của thế giới, thì đó là một sự hợp tác tuyệt vời hai bên cùng có lợi, cùng thắng; win win solution!
Ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt vùng ĐBSCL, sẽ là nơi phát triển thích hợp nhất cho sự hợp tác này vì ở đây đã trồng thành công giống lúa hạt ngắn Nhật Bản trong nhiều năm qua.
NHƯNG TÌM ĐÂU RA GIỐNG-LÚA-HẠT-VỪA?
Mình đã nhiều lần đề nghị Việt Nam nên trồng thử giống lúa hạt ngắn japonica của Nhật, và giống lúa hạt vừa của Úc.
Sau này, ngay cả khi làm việc với một Công ty hạt giống ở phía nam, mình cũng đã giới thiệu 5 giống lúa hạt ngắn của Nhật và 1 giống lúa hạt vừa AMAROO của Úc (Hình 11), kèm thêm hạt giống mẫu.
Nhưng chẳng có ai quan tâm. Tiếc thật!
GS.TS NGUYỄN QUỐC VỌNG (Trường Khoa học ứng dụng, Đại học RMIT – Úc)
(Bài viết đăng trên trang facebook cá nhân và thể hiện quan điểm của tác giả: Xem bài gốc tại đây)
Messenger
Zalo
Gọi ngay
Form liên hệ

Để lại lời nhắn