Cơ hội cho ngành Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam thời kỳ sau đại dịch Covid-19 (Kỳ 2)

Ngày 10/11/2020, báo Tuổi Trẻ có đăng bài viết của GS.TS Nguyễn Quốc Vọng (Trường Khoa học ứng dụng, Đại học RMIT – Úc) với tiêu đề “Đại dịch và cơ hội cho nông sản Việt” (xem bài viết tại đây). Do khuôn khổ bài báo có hạn nên Tuổi Trẻ đã bỏ nhiều số liệu và bớt một số thông tin cho vừa trang nên bài viết đã không được mạch lạc. Vì vậy tác giả đã đăng toàn văn bài viết trên trang facebook cá nhân tại đây, chúng tôi đã liên hệ xin phép và được sự đồng ý của GS.TS Nguyễn Quốc Vọng cho phép đăng tải lại bài viết đầy đủ trên website này. Xin chân thành cảm ơn những tâm huyết của GS.TS Nguyễn Quốc Vọng đối với nền nông nghiệp nước nhà.
(tiếp theo Kỳ 1)
Kỳ II.
BÀI HỌC 2. Bổ sung siêu thực phẩm và thực phẩm chức năng cho bữa ăn Việt
Để tăng cường hệ miễn nhiễm, bữa ăn của người Việt cần chú ý hơn về chất dinh dưỡng, đặc biệt là bổ xung 6 chất vi lượng quan trọng; Vitamin B6, Vitamin C, Vitamin D, Vitamin E, Magnesium, và Kẽm vốn có nhiều trong các loại “siêu thực phẩm” và “thực phẩm chức năng”.
Siêu thực phẩm/superfoods là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng vì chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa ung thư; chất béo lành mạnh ngăn ngừa bệnh tim; chất xơ ngăn ngừa bệnh tiểu đường và các bệnh về tiêu hóa; và các hợp chất hoá học thực vật/phytochemicals tạo nên màu sắc, mùi vị và nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tuy nói là siêu thực phẩm, nhưng thực ra đó là những thực phẩm thường thấy trong bữa ăn của người Việt như rau quả, trái cây, cá, sữa, trà xanh v.v… Ở phương Tây, trái việt quất/blueberries luôn đứng đầu trong danh sách siêu thực phẩm vì loại trái này giàu chất dinh dưỡng, nhiều chất chống oxy hóa, ít calo, nhiều chất xơ, và rất phong phú vitamin B6, vitamin C, vitamin K, folate, kali, đồng và mangan. Ở phương Đông, rau cải thuộc họ Cải bắp/Brassica như cải xanh, cải thìa, cải bắp, bông cải xanh, cải ngọt, cải làn và các loại rau có màu lục đậm như bó xôi/spinach, rau dền, rau cần ta cũng có chứa nhiều vitamin A, C và K, chất xơ, canxi và các khoáng chất khác. Ở Việt Nam, rau muống là một siêu thực phẩm vì chứa ít calo, nhiều chất xơ, calcium và giàu vitamin A, vitamin B1, B2, B6, và vitamin C. Tuy nhiên trái Gấc mới chính là siêu sao trong nhóm siêu thực phẩm. Hàm lượng Lycopene và vitamin A/beta-carotene trong gấc cao hơn nhiều so với các loại trái cây & rau quả khác.
Khoai lang, bí ngô, bí xanh/Japanese kabocha, đậu và ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt cũng nằm trong danh sách siêu thực phẩm.
Cá hồi, cá mòi, cá thu và một số loại cá béo khác rất giàu axit béo omega-3, được cho là có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Tuy nhiên vì trong cá thường có chứa thủy ngân, nên hãy cẩn thận tránh ăn cá thường xuyên và tránh những loại cá có hàm lượng thuỷ ngân cao. Nghiên cứu cho thấy một số loại cá to như cá mập, cá kiếm/ swordfish, cá thu có chứa hàm lượng thủy ngân nhiều hơn so với các loại cá nhỏ như cá mòi, cá cơm.
Ở các thị trường Mỹ, EU, Nhật, Canada, Úc gần đây có thêm trong danh sách siêu thực phẩm một loại “trái cây lạ nước ngoài của năm/exotic fruit of the year” để chỉ các loại trái cây nhiệt đới như xoài, ổi, thanh long, chôm chôm, sầu riêng hoặc trái lựu. Những loại trái cây lạ nước ngoài này tốt cho sức khỏe, nhưng cũng tương đương như các loại trái cây “ít lạ” của phương Tây như trái việt quất, hoặc nhóm trái mọng/berries có chứa một số loại chất dinh dưỡng đặc biệt. Ví dụ trái lựu có chứa ellagitannin (axit ellagic) có đặc tính chống ung thư thì trái mâm xôi đỏ/red raspberries cũng có chứa axit ellagic.
Thị trường nhập khẩu siêu thực phẩm thế giới trong 10 năm qua đã tăng trưởng khoảng gần 7%/năm, trong đó Mỹ, Trung Quốc và Đức là ba thị trường lớn nhất thế giới. Mỹ có kim ngạch nhập khẩu các loại trái cây siêu thực phẩm lớn nhất thế giới với khoảng 16,4 tỷ USD vào năm 2019, trong đó Việt Nam đứng thứ 6 với sản phẩm trái cây lạ nước ngoài của năm như xoài, ổi và các loại trái cây nhiệt đới khác với kim ngạch 886,5 triệu USD, chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây của Mỹ vào năm 2019.
Trung Quốc có kim ngạch nhập khẩu trái cây siêu thực phẩm lớn thứ hai thế giới với khoảng 9,5 tỷ USD vào năm 2019 gồm các mặt hàng tươi như sầu riêng (1,6 tỷ USD); trái cherry (1,4 tỷ USD); chuối (1,1 tỷ USD), xoài (790 triệu USD); nho (640 triệu USD); trái kiwi (450 triệu USD); nhãn (420 triệu USD); cam (400 triệu USD); và trái thanh long (360 triệu USD). Thái Lan, Chile, Philippines, Việt Nam, New Zealand, Úc, Peru, Ecuador, Nam Phi và Mỹ là 10 nước TQ nhập khẩu trái cây siêu thực phẩm nhiều nhất.
Thực phẩm chức năng/functional foods là loại thực phẩm được người Nhật đề cập đầu tiên vào những năm 80s để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa thành phần có thể không nhiều giá trị dinh dưỡng như siêu thực phẩm nhưng giúp nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng. Viện Khoa học và Đời sống Quốc tế ILSI (International Life Science Institute) cho rằng “thực phẩm chức năng là thực phẩm có lợi cho một hay nhiều hoạt động của cơ thể như cải thiện tình trạng sức khoẻ để giảm nguy cơ mắc bệnh hơn so với giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại”. Thực phẩm chức năng do đó nằm ở vị trí giao thoa giữa thực phẩm và dược phẩm nên người ta còn gọi thực phẩm chức năng là thực-phẩm-thuốc. Thực phẩm chức năng được chia thành nhiều nhóm, nhưng có 2 nhóm Việt Nam có lợi thế nhất. Đó là Carotenoids và Probiotics.
Carotenoids là thực phẩm chứa nhiều vitamin A dưới dạng beta-carotene. Nghiên cứu cho thấy thị trường Carotenoids ở Mỹ sẽ tăng từ 1,5 tỷ USD vào năm 2019 lên 2,0 tỷ USD vào năm 2026 do việc sử dụng carotenoids tự nhiên ngày càng tăng – ví dụ như trái gấc, trái chanh dây. Gấc rất phong phú Beta-carotene, Lycopene, vitamin C, vitamin E, kẽm có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch và cho thấy tác dụng tích cực đối với các bệnh ung thư, tim mạch, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Lycopene có thể bảo vệ chống lại ung thư phổi, dạ dày và tuyến tiền liệt. Gấc chứa vitamin A/beta-carotene cao gấp 54 lần so với cà rốt và sắc tố lycopene gấp 200 lần so với cà chua. Axit béo omega-3 và các hợp chất trong Gấc cũng có chức năng chống viêm. Chanh dây chứa nhiều chất xơ, Vitamin A, Vitamin C, Potassium và chất Sắt được dùng nhiều dưới dạng nước giải khát.
Probiotics là thực phẩm có chứa men vi sinh có lợi cho sức khỏe. Khi ăn thực phẩm có chứa men vi sinh, men sẽ xâm nhập vào ruột, giúp hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Thực phẩm Probiotic bao gồm các sản phẩm sữa chua, một số loại phô mai và thực phẩm lên men, Kefir, kimchi, miso và dưa cải chua.
Kombucha là một probiotic gần đây được thế giới yêu chuộng. Kombucha là loại thức uống làm từ trà đen hoặc trà xanh lên men do một nhóm vi khuẩn và nấm men/yeast. Kombucha có thị trường thế giới khoảng 1,67 tỷ USD, tăng trưởng 19.7%/năm, có thể lên đến 7,05 tỷ USD vào năm 2027. Việt Nam có thể sản xuất Kombucha bằng trà Shan tuyết cổ thụ vì có hàm lượng chất xơ, catechins và tannin cao, rất thích hợp để sản xuất dòng sản phẩm Kombucha chất lượng cao độc đáo này.
Như vậy sau đại dịch Covid-19, việc phổ biến các loại siêu thực phẩm và thực phẩm chức năng không những kiện toàn cho bữa ăn Việt, mà còn giúp Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu thế giới vì để có siêu thực phẩm như gấc, chanh dây, xoài, mít, trà xanh, kombucha hoặc các loại thực phẩm chức năng phổ biến khác có mặt ở quầy hàng quanh năm, hầu như tất cả các nước phát triển trên thế giới đều phải nhập khẩu, ít nhất là một giai đoạn nào đó trong năm.
Thị trường thực phẩm chức năng có trị giá khoảng 300 tỷ USD vào năm 2017, và sẽ tăng trưởng lên đến 440 tỷ USD vào năm 2022 trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm 35%, EU chiếm 32%, và Nhật Bản chiếm 25%.
Để tăng kim ngạch xuất khẩu các loại siêu thực phẩm và thực phẩm chức năng nói trên, Việt Nam cần phải nghiêm chỉnh áp dụng không những quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP như VietGAP, GlobalGAP, mà còn phải tuân thủ quy trình sản xuất chế biến tốt GPP và các quy định quốc tế khác như Trách nhiêm xã hội CSR, FairTrade v.v…
Thời kỳ sau đại dịch Covid-19, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ là yêu cầu bắt buộc của bất kỳ thị trường nhập khẩu nào trên thế giới. Kể cả Việt Nam!
(còn tiếp)
GS.TS NGUYỄN QUỐC VỌNG (Trường Khoa học ứng dụng, Đại học RMIT – Úc)
Messenger
Zalo
Gọi ngay
Form liên hệ

Để lại lời nhắn