Cơ hội cho ngành Nông nghiệp và Thực phẩm thời kỳ sau đại dịch Covid 19 (Kỳ 3)

Ngày 10/11/2020, báo Tuổi Trẻ có đăng bài viết của GS.TS Nguyễn Quốc Vọng (Trường Khoa học ứng dụng, Đại học RMIT – Úc) với tiêu đề “Đại dịch và cơ hội cho nông sản Việt” (xem bài viết tại đây). Do khuôn khổ bài báo có hạn nên Tuổi Trẻ đã bỏ nhiều số liệu và bớt một số thông tin cho vừa trang nên bài viết đã không được mạch lạc. Vì vậy tác giả đã đăng toàn văn bài viết trên trang facebook cá nhân tại đây, chúng tôi đã liên hệ xin phép và được sự đồng ý của GS.TS Nguyễn Quốc Vọng cho phép đăng tải lại bài viết đầy đủ trên website này. Xin chân thành cảm ơn những tâm huyết của GS.TS Nguyễn Quốc Vọng đối với nền nông nghiệp nước nhà.
(tiếp theo Kỳ 2)
Kỳ III.
BÀI HỌC 3. Phát triển ngành thực phẩm chế biến
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy chuỗi cung ứng thực-phẩm-tươi chỉ đáp ứng yêu cầu địa phương trong khi chuỗi cung ứng thực-phẩm-chế-biến đáp ứng tốt hơn yêu cầu quốc gia, quốc tế. Do vậy sau đại dịch Covid-19 ngành thực phẩm chế biến sẽ có tăng trưởng lớn.
Theo báo cáo của Global Food Processing Market ngành thực phẩm chế biến sẽ tăng trưởng đột biến, lên đến 4.100 tỷ USD vào năm 2024. Nguyên nhân làdo giới tiêu thụ thay đổi nhận thức sau đại dịch nên thay đổi lối sống trong đó có cách ăn uống; gia tăng số lượng các gia đình hạt nhân (gia đình chỉ có 2 thế hệ: cha mẹ và con cái); và phụ nữ đi làm. Những tiến bộ về công nghệ chế biến cũng góp phần vào sự tăng trưởng của ngành thực phẩm chế biến.
Báo cáo còn cho rằng phân khúc trái cây & rau quả chế biến ​​sẽ có mức tăng trưởng cao nhất do xu hướng giới tiêu dùng thời kỳ sau đại dịch Covid-19 thích thức ăn chay, và bổ xung các loại siêu thực phẩm và thực phẩm chức năng.
Quy mô thị trường trái cây & rau quả chế biến thế giới có trị giá hơn 245 tỷ USD trong năm 2018, tăng trưởng trên 6,5% mỗi năm, và dự kiến sẽ đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025 (https://www.gminsights.com/…/processed-fruits-and…).
Sản phẩm trái cây & rau quả khô/Dried and dehydrated fruits and vegetablescũng sẽ tăng trưởng nhanh. Trái cây & rau quả khô giúp tăng cường lượng chất xơ và chất dinh dưỡng và đảm bảo cung cấp chất chống oxy hóa một cách hợp lý. Các sản phẩm khô có thể sẽ được chọn làm bữa ăn sáng hoặc bữa ăn nhẹ cho những người tiêu dùng đang tìm kiếm bổ xung thức ăn siêu thực phẩm.
Việt Nam rất có lợi thế về chế biến trái cây & rau quả, đặc biệt các loại trái cây nhiệt đới như sầu riêng, mít, xoài, ổi, dứa/khóm, đu đủ, gấc, chanh dây. Thế nhưng tuy có lợi thế trong sản xuất nhưng Việt Nam cần phải chú trọng hơn về việc áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, chế biến tốt. Vụ pâté Minh Chay nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc cho nhiều người vào tháng 7, 8 năm 2020 đã tạo ra cuộc khủng hoảng không những về an toàn thực phẩm mà còn về công nghệ & máy móc chế biến, chuỗi cung ứng, và uy tín của ngành thực phẩm Việt Nam.
BÀI HỌC 4. Kiện toàn chuỗi cung ứng thực phẩm
Đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân để thế giới nhận thức được rằng chuỗi cung ứng thực phẩm & dược phẩm đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy chính phủ Mỹ, Nhật đã có các gói hỗ trợ tài chính khuyến khích công ty nào của họ muốn dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Nhưng theo khảo sát của công ty tư vấn Gartner, Inc. (Mỹ) vào tháng 2 năm 2020, thì chỉ mới có 33% công ty đã chuyển nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc có kế hoạch làm như vậy trong hai, ba năm tới. Lý do là vì xây dựng chuỗi cung ứng không hề dễ, trái lại vô cùng phức tạp. Chưa nói trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã xây dựng tốt chuỗi cung ứng hàng chất lượng cao với giá thành thấp cho các sản phẩm công nghiệp, dược phẩm, và thực phẩm. Đồng thời Trung Quốc cũng trở thành một thị trường tiêu thụ lớn nên rất thích hợp với chủ trương “gần với khách hàng hơn/closer to the customer” của các đại công ty.
Cho nên nếu Việt Nam muốn trám một số trong chuỗi cung ứng nông sản & thực phẩm thế giới – ví dụ chuỗi cung ứng trái cây & rau quả tươi – thì Việt Nam cần phải chú ý làm tốt 7 vấn đề sau:
4.1.Vấn đề chất lượng thực phẩm/Food quality issues
Thời kỳ sau đại dịch Covid-19, chất lượng thực phẩm – gồm an toàn vệ sinh và chất lượng thực phẩm – là yếu tố quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng trái cây & rau quả tươi vì chúng liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu thụ. Vì chuỗi cung ứng thực-phẩm-tươi cung cấp mặt hàng tươi & an toàn vệ sinh kịp thời và đúng chất lượng cho khách hàng nên chất lượng cao sẽ là yếu tố hàng đầu làm giới tiêu thụ yêu thích. Ở Việt Nam, ngoài các tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP về an toàn vệ sinh, cần bổ xung thêm các tiêu chuẩn khác về chất lượng sản phẩm/quality standards để đáp ứng yêu cầu quốc tế. Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh kém, chất lượng xuống cấp nhanh. Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm càng cao hàng Việt Nam càng có giá trị độc đáo trên thị trường quốc tế.
4.2.Vấn đề quản lý sau thu hoạch/Postharvest handling issues
Sau khi thu hoạch trái cây & rau quả tươi, cần phải áp dụng các phương pháp xử lý sau thu hoạch để duy trì độ tươi được lâu, tránh hư thối. Nông dân Việt Nam sản xuất nhỏ lẻ nên hầu như không có kỹ thuật hay máy móc nào dành cho sản phẩm sau thu hoạch nên đã gây tổn thất lớn. Nhiều báo cáo cho biết Việt Nam đã mất khoảng 10-30% sản lượng nông sản vì đã không xử lý sau thu hoạch.
4.3.Vấn đề bao bì, đóng gói/Packaging issues
Đối với hàng hóa tươi như trái cây & rau quả, cần phải có bao bì thích hợp và bắt mắt để duy trì chất lượng và bảo quản được lâu. Tuy chi phí vật liệu bao bì & đóng gói sẽ nâng cao giá thành, gây khó khăn trong việc cạnh tranh giá bán, nhưng mất chất lượng và hư thối nhanh còn làm cho nông dân bị thiệt hại nhiều hơn chi phí bao bì.
4.4. Vấn đề quản lý chuỗi lạnh/Cold Chain Management issues
Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, nóng ẩm quanh năm, thực phẩm tươi dễ bị hư thối nên cần dây chuyền lạnh để bảo quản. Dây chuyền lạnh gồm kho lạnh ở vùng nguyên liệu, hệ thống lạnh cho xe hàng, kho lạnh nơi tập kết & phân phối, và cuối cùng là hệ thống lạnh ở cửa hàng bán lẻ. Thiếu một trong dây chuyền lạnh nói trên, hoặc năng lực dây chuyền lạnh không đủ cũng sẽ gây khó khăn trong việc kinh doanh vì chất lượng giảm, hư hỏng tăng.
4.5. Vấn đề Cơ sở hạ tầng/ Infrastructure issues
Cơ sở hạ tầng đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm tươi. Cơ sở hạ tầng phù hợp và đầy đủ giúp nông dân sản xuất tốt, giao hàng đúng hẹn, và bảo đảm hàng chất lượng cao. Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt đường nội đồng ở ĐBSCL còn quá thô và chật hẹp nên phần lớn nông sản phải đóng trong cần xé, và thồ bằng xe máy hoặc các phương tiện thô sơ khác làm nông sản bị dập nát, là trở ngại chính của chuỗi cung ứng, dẫn đến thất thoát cao. Cần chú ý ĐBSCL là nơi cung cấp 90% lượng xuất khẩu gạo; hơn 60% xuất khẩu trái cây; 87% sản lượng cá tra/basa; và gần 100% xuất khẩu tôm của cả nước.
4.6.Vấn đề vận chuyển/Transportation issues
Giao thông vận tải tiện lợi, thông thoáng giúp hàng hóa được giao cho khách hàng đúng thời hạn, đúng chất lượng, với giá cạnh tranh. Giao thông vận tải còn đóng vai trò quan trọng hơn cho chuỗi cung ứng thực-phẩm-tươi như trái cây & rau quả vì thời hạn sử dụng ngắn, dễ hư thối. Thách thức về giao thông vận tải ở Việt Nam rất lớn vì hệ thống giao thông chưa rộng khắp và chất lượng đường xá chưa tốt, đặc biệt ở các tỉnh ĐBSCL là nơi xuất khẩu các mặt hàng nông sản quan trọng như gạo, trái cây, tôm, cá. Ví dụ vận chuyển nông sản từ Cần Thơ lên TP HCM với khoảng đường chỉ 100-130 cây số mà đã mất đến 3-4 giờ và đi qua rất nhiều trạm thu phí BOT.
Trong xuất khẩu phí vận chuyển lại càng đắt đỏ hơn. Thực tế cho thấy phí vận chuyển vải thiều tươi từ Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang sang thành phố Sydney, Úc vào thời điểm năm 2016 đã chiếm đến 57% của giá vốn 192.000 VND/kg (tương đương khoảng 11,5 đô la Úc/kg), trong khi giá bán vải thiều của Úc ở chợ vào chính vụ chỉ với 8 đô la Úc/kg.
4.7.Vấn đề về Kiến thức và Nhận thức của nông dân/Grower’s Knowledge and Awareness
Nông dân Việt Nam có kiến thức cao trong việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới để sản xuất các loại cây, con cho năng suất cao. Nhưng nông dân Việt Nam có vẻ như có nhận thức không cao về trách nhiệm an toàn vệ sinh thực phẩm cho những bước tiếp theo trong chuỗi cung ứng như xử lý sau thu hoạch, bao bì, bảo quản, giao thông, và chất lượng tại bàn ăn. Nếu không có kiến thức đúng trong sản xuất và trình độ nhận thức cao về chuỗi cung ứng, thì ngành nông nghiệp & thực phẩm Việt Nam khó có thể chiếm chỗ đứng trong thị trường thế giới, vì sau đại dịch Covid-19, tuy giới tiêu thụ rất quan tâm đến an toàn vệ sinh và chất lượng nông sản & thực phẩm, giá bán hợp lý, rẻ cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng.
Làm tốt chuỗi cung ứng nông sản & thực phẩm bằng cách cải thiện đường nội đồng; xây dựng hệ thống giao thông tiện lợi để giảm phí vận chuyển; nâng cao tay nghề và nhận thức trách nhiệm của nông dân sẽ lôi cuốn nhiều nhà đầu tư tìm về nông thôn xây dựng cơ sở chế biến nông sản & thực phẩm. Việc làm này vừa giải quyết việc tiêu thụ toàn bộ nông sản, vừa cung cấp công ăn việc làm cho nông thôn, mà lại vừa giảm thiểu được làn sóng người trẻ nông thôn di dân lên thành phố tìm việc.
Tất cả những động thái nói trên thực ra chính là xây dựng một nền nông nghiệp bền vững cho nông thôn và nông dân Việt Nam vào thời kỳ sau đại dịch Covid-19./.
Sydney 12/11/2020
GS.TS NGUYỄN QUỐC VỌNG (Trường Khoa học ứng dụng, Đại học RMIT – Úc)
Messenger
Zalo
Gọi ngay
Form liên hệ

Để lại lời nhắn