Cơ hội cho ngành Nông nghiệp và Thực phẩm thời kỳ sau đại dịch Covid 19 (Kỳ 1)

Ngày 10/11/2020, báo Tuổi Trẻ có đăng bài viết của GS.TS Nguyễn Quốc Vọng (Trường Khoa học ứng dụng, Đại học RMIT – Úc) với tiêu đề “Đại dịch và cơ hội cho nông sản Việt” (xem bài viết tại đây). Do khuôn khổ bài báo có hạn nên Tuổi Trẻ đã bỏ nhiều số liệu và bớt một số thông tin cho vừa trang nên bài viết đã không được mạch lạc. Vì vậy tác giả đã đăng toàn văn bài viết trên trang facebook cá nhân tại đây, chúng tôi đã liên hệ xin phép và được sự đồng ý của GS.TS Nguyễn Quốc Vọng cho phép đăng tải lại bài viết đầy đủ trên website này. Xin chân thành cảm ơn những tâm huyết của GS.TS Nguyễn Quốc Vọng đối với nền nông nghiệp nước nhà.
Kỳ I.
Đại địch viêm phổi cấp Covid-19 bộc phát vào đầu năm 2020 đã làm hơn 50 triệu người nhiễm bệnh và hơn 1,2 triệu người trên thế giới tử vong (Sydney Morning Herald 10/11/2020). Mặc dù chưa biết đại dịch lúc nào chấm dứt và Covid-19 cũng không phải là đại dịch cuối cùng, nhưng đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta nhiều bài học, để qua đó sẵn sàng chuẩn bị cho những đại dịch sắp tới.
Đối với ngành nông nghiệp và thực phẩm, có 4 bài học lớn được rút ra:
i. Đại dịch Covid-19 xuất phát từ một điểm; chợ hải sản Vũ Hán, nhưng sau đó đã lan rộng khắp thế giới, lây nhiễm hàng chục triệu và giết chết hơn triệu người chỉ trong vòng 10 tháng. An toàn vệ sinh thực phẩm từ một cái chợ do vậy không còn là vấn đề nhỏ chỉ riêng một cái chợ, mà là vấn đề lớn của quốc gia, của loài người trên toàn thế giới.
ii. Đại dịch Covid-19 lây lan nhanh, giết chết nhiều người đã cho thấy hệ miễn nhiễm của con người còn quá yếu, không chống chọi được với sự tấn công của dịch bệnh. Đấy là do cách ăn uống cẩu thả và chất lượng thực phẩm chưa tốt. Trong thức ăn của chúng ta còn thiếu quá nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt 6 chất vi lượng quan trọng; Vitamin B6, Vitamin C, Vitamin D, Vitamin E, Magnesium, và Kẽm;
iii. Qua đại dịch con người thấy rõ chuỗi cung ứng thực-phẩm-tươi chỉ phục vụ được nhu cầu địa phương trong khi chuỗi cung ứng thực-phẩm-chế-biến bảo quản được lâu nên có thể phục vụ nhu cầu quốc gia và quốc tế;
iv. Đại dịch Covid-19 xãy ra cho thấy việc tập trung sản xuất và cung ứng thực phẩm vào một số ít quốc gia – như Trung Quốc – là không hiệu quả, ảnh hưởng nặng nề đến an ninh lương thực và sức khoẻ con người, nhất là đối với các quốc gia nằm trong mắc xích chuỗi cung ứng.
Như vậy sau đại dịch Covid-19, chắc chắn thế giới sẽ phải thay đổi, sẽ phải sắp đặt lại để đi vào một trật tự mới. Thế giới không những thay đổi trong quan điểm về chất lượng thực phẩm, mà vị trí trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất & cung ứng thực phẩm và dược phẩm cũng sẽ thay đổi. Làn sóng đầu tư rút khỏi Trung Quốc vốn âm ỉ nay xãy ra với độ tăng đột biến. Việt Nam và một số nước ở châu Á, khối châu Mỹ latinh là những nước có khả năng thay thế từng phần trong chuỗi cung ứng thực phẩm và dược phẩm nói trên nếu biết nắm bắt cơ hội, chuẩn bị tư thế sẵn sàng cả về nội lực lẫn nguồn nhân lực để nhập cuộc, hợp tác, phát triển và cạnh tranh. Covid-19 vừa là đại dịch bi thảm vừa là thời cơ giúp Việt Nam giành vị trí chủ động trong việc đón làn sóng đầu tư cũng như tự mình sản xuất để trám một số trong chuỗi cung ứng nông sản & thực phẩm thế giới.
Vậy nông nghiệp Việt Nam cần phải làm gì và nông dân Việt Nam cần phải thay đổi tư duy ra sao để vừa đáp ứng với yêu cầu trong nước, vừa thích ứng với yêu cầu của thị trường nông sản và thực phẩm to lớn của thế giới?
1. An toàn thực phẩm là vấn đề quốc tế
Từ khi bắt đầu đại dịch, các nhà khoa học đã cho rằng virus corona chủng mới nCoV-2019 gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 phát xuất từ loài dơi, truyền sang cầy hương, rồi sang người như là nguyên nhân gây bệnh SARS năm 2003.
Tuy nhiên đến tháng 4 năm 2020, các nhà khoa học cho biết loài tê tê mới là vật chủ gây ra Covid-19 vì bộ gen của virus phân lập từ tê tê giống với nCoV-2019đến 99%. Virus corona ban đầu được phát hiện ở chợ hải sản Vũ Hán, được cho rằng lây sang người từ các động vật hoang dã như dơi, tê tê, và những người nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện cũng chính là những người làm việc tại chợ hải sản Vũ Hán.
Tê tê là động vật có vú, có lớp vảy cứng, thường bị săn lùng để lấy vảy điều trị nhiều bệnh trong y học cổ truyền ở nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Tê tê bị buôn bán nhiều nhất thế giới, chiếm đến 20% tổng số buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng việc buôn bán động vật hoang dã có thể tạo điều kiện cho bệnh tật sinh sôi và lây lan vì trong động vật hoang dã có nhiều chủng “virus lạ” mà con người chưa biết tới.
Nhiều nước phương Tây cho rằng, nếu thế giới được cảnh báo sớm hơn về mức độ nghiêm trọng của virus nCoV-2019, có thể hàng trăm nghìn sinh mạng đã được cứu sống. Tổ chức WHO đang hứng chịu sức ép nặng nề từ các quốc gia phương Tây vì quá chậm chạp trong việc ứng phó với sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trung Quốc cũng bị cáo buộc thiếu minh bạch trong tuyên bố về mức độ nguy hiểm của virus corona chủng mới nCoV-2019.
Ngoài việc hơn triệu người tử vong, đại dịch Covid-19 còn đẩy thế giới vào cơn suy thoái kinh tế khủng khiếp. Riêng nước Mỹ, mức thâm thủng ngân sách đã lên hơn 3.000 tỷ USD trong 11 tháng đầu của năm tài chánh 2020. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán mức thâm thủng ngân sách của cả năm 2020 sẽ là 3.300 tỷ USD, chiếm 16% GDP, cao nhất kể từ khi Thế chiến thứ hai (1939-1945) kết thúc. Công ty đánh giá rủi ro Praedicat ở Mỹ cho biết đã có nhiều gia đình đâm đơn kiện doanh nghiệp với lý do thân nhân của họ tử vong vì “mang Covid-19 từ công ty về nhà”. Các vụ kiện này có thể khiến các doanh nghiệp thiệt hại lên tới 21 tỷ USD. Đâm đơn kiện Trung Quốc vì lý do “phát tán Covid-19 ra thế giới” cũng đã được báo chí Mỹ nhiều lần nhắc đến.
Mặc dù Việt Nam đã ban hành chỉ thị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 23.7.2020 dừng nhập khẩu động vật hoang dã và yêu cầu “kiên quyết loại bỏ” các chợ động vật hoang dã để ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát mạnh hơn, cũng như Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài tê tê ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030”, nhưng nếu người dân Việt Nam vẫn tiếp tục mua bán động vật hoang dã, xem việc ăn uống động vật hoang dã là nét văn hoá truyền thống cần được duy trì, thì đó là hành động tiếp tay cho việc lan truyền bệnh tật, dẫn đến đại dịch kinh hoàng cho thế giới như Covid-19. Có khi còn dính vào những vụ kiện tụng quốc tế không đáng có.
An toàn vệ sinh từ một cái chợ đã cho thấy ảnh hưởng nặng nề đến an toàn của con người trên toàn thế giới. Trách nhiệm tổ chức, quản lý, mua bán tại chợ do đó không còn là trách nhiệm chỉ riêng một cái chợ hay một thành phố, mà là trách nhiệm của quốc gia đối với sức khoẻ của dân mình và của con người trên toàn thế giới.
Trong chiều hướng như vậy, nông dân Việt Nam – trước hết – phải thay đổi tư duy, phải phấn đấu để trở thành người sản xuất nông sản & thực phẩm có trách nhiệm, không phải chỉ với giới tiêu thụ trong nước mà còn với thế giới vì Việt Nam đã là một thành viên của cộng đồng thế giới.
Nông dân toàn cầu là điểm đến cho bất cứ nông dân Việt Nam nào muốn sống còn trong thời kỳ sau đại dịch Covid-19.
(còn tiếp)
GS.TS NGUYỄN QUỐC VỌNG (Trường Khoa học ứng dụng, Đại học RMIT – Úc)
Messenger
Zalo
Gọi ngay
Form liên hệ

Để lại lời nhắn