Cơ hội “cất cánh” cho nông nghiệp

Có lẽ chưa năm nào, lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam lại chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như năm 2020: từ lo âu, hồi hộp đến vui mừng, phấn chấn trước những con số tăng trưởng đáng tự hào. Những thành quả ấy được xem là bước “chạy đà”, mở ra cơ hội cho năm 2021, ngành nông nghiệp nước nhà sẽ “cất cánh” với những thành tựu lớn hơn.

Sức bật diệu kỳ

“Năm 2020, nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu mà Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch. Kết quả là tăng trưởng GDP của ngành đạt khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,25 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019; duy trì chín nhóm, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD, trong đó có năm nhóm, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn ba tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019”. Đây là báo cáo và nhận định của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị tổng kết ngành NN và PTNT năm 2020. Đó cũng chính là những “con số biết nói” và có sức lay động lớn, phản ánh rõ nét những thành tích đáng nể của nền nông nghiệp nước ta trong năm qua, nhất là đối với lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, phải đặt những con số này trong bối cảnh đầy biến động của năm 2020 thì mới thấy hết ý nghĩa và giá trị lớn lao của nó. Nhìn lại cả năm qua, ngành nông nghiệp nước nhà luôn phải gồng mình đối phó với thiên tai như mưa đá, hạn mặn, lũ lụt ở cả ba miền bắc, trung, nam. Và xuyên suốt năm 2020 cho đến tận thời điểm này, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã và đang làm gián đoạn, thậm chí đứt gẫy các hoạt động thương mại nông, lâm, thủy sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong điều kiện đó, các ngành hàng nông nghiệp Việt Nam đã thích nghi và vươn đến kim ngạch hàng tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng có sự bứt phá, tăng tốc kỳ diệu trong gian khó. Điển hình là mặt hàng gạo. Vào thời điểm dịch Covid- 19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu, chúng ta buộc phải tạm dừng xuất khẩu vì áp lực bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Dù điều này chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn nhưng cũng đủ để thấy tác động ghê gớm của dịch bệnh dẫn đến những biến động khôn lường trên thị trường. Tuy nhiên, vượt qua mọi thách thức, gạo trở thành mặt hàng có sức bật mạnh mẽ nhất với khối lượng xuất khẩu lớn và mức giá cao kỷ lục. Ước tính, lượng gạo xuất khẩu của nước ta cả năm 2020 đạt khoảng 6,5 đến 6,7 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,07 tỷ USD. Cơ cấu gạo chất lượng cao xuất khẩu chiếm hơn 85%, góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020. Đây là mức giá tốt nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong nhiều thời điểm của năm 2020, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan khoảng 20 đến 30 USD/tấn, cao hơn gạo Ấn Độ khoảng 120 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu tăng kéo theo giá lúa trong nước tăng cao, nông dân phấn khởi khi vừa trúng mùa vừa trúng giá, tạo ra niềm hứng khởi mới cho cả ngành hàng chiến lược này. Thứ trưởng NN và PTNT Lê Quốc Doanh đã nhận định rằng: Sau 31 năm Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo, đây chính là những thành quả vô cùng tuyệt vời, tạo ra dấu ấn đặc biệt cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Không chỉ mặt hàng gạo, giữa tâm dịch Covid-19, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả vẫn kiên trì “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh kết nối các thị trường. Chính vì vậy, nhiều loại quả của Việt Nam vẫn được xuất khẩu đi nhiều nước, như: chuối chính thức vào hệ thống siêu thị Lotte của Hàn Quốc; vải Hải Dương và Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ; thị trường Ấn Độ hút hàng thanh long, vải, chôm chôm; nhãn Sơn La bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu ra thế giới… Những nỗ lực đó của ngành hàng rau quả đã được “đền đáp” bằng con số kim ngạch 3,35 tỷ USD đầy ấn tượng. Và vị thế của trái cây Việt Nam cũng đang dần được xác lập trên thị trường thế giới từ những bước “chạy đà” quyết liệt như thế.

“Xoay trục” thị trường, đổi mới tư duy

Cùng với sức bật về kim ngạch xuất khẩu, năm 2020 còn chứng kiến sự “xoay trục” thị trường một cách khá rõ nét của các ngành hàng nông nghiệp. Mặc dù Trung Quốc vẫn là nước đứng đầu về nhập khẩu một số nông sản của nước ta nhưng hầu hết kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng năm 2020 đều giảm so với năm 2019. Theo đó, tính chung 11 tháng đầu năm 2020, Mỹ là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 9,8 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 26,2% thị phần. Trung Quốc giữ vị trí thứ hai với kim ngạch ước đạt gần 9,2 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ và chiếm 24,6% thị phần. Ngoài ra, nông sản Việt Nam cũng được đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường lớn, có yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng rất cao như: EU, Australia, Nhật Bản, Singapore… Trong đó, điểm nhấn của năm 2020 chính là cánh cửa thị trường châu Âu mở rộng hơn đối với các ngành hàng nông nghiệp Việt Nam sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Theo EVFTA, thuế suất nhiều mặt hàng mà nền nông nghiệp nước ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà-phê, ca-cao…, được cắt giảm ngay về 0% hoặc trong lộ trình ngắn. Kết quả là, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều lô hàng gạo, trái cây, tôm, cà-phê đã liên tiếp được xuất sang châu Âu với mức thuế ưu đãi 0%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU nhờ thế đã có sự tăng trưởng rõ rệt. So với tháng 7-2020, trị giá xuất khẩu sang EU trong tháng 8-2020 và tháng 9-2020 lần lượt tăng 11,5% và 32,4%. Hiện Việt Nam cam kết bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU và EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan đến nông sản, thực phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để nông sản nước ta tiếp cận và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU.

Cơ hội “cất cánh” cho nông nghiệp -0
 

Có thể thấy, sự “xoay trục” thị trường này mang một ý nghĩa lớn lao đối với ngành nông nghiệp. Bởi lẽ, đây không phải chỉ là sự “xoay trục” về địa lý mà chính là “xoay trục” của tư duy làm nông nghiệp: chuyển từ lượng sang chất; chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô sang sản phẩm chế biến sâu; chuyển từ thị trường truyền thống chất lượng thấp, giá thấp sang các thị trường mới chất lượng cao, giá bán cao. Như khẳng định của Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Thông qua thị trường EU, chúng ta không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối của xuất khẩu mà còn khẳng định chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã đạt đến mức có thể xuất khẩu đi bất cứ thị trường nào trên thế giới”. Đó là thông điệp rõ ràng nhất và cũng là mục tiêu lớn nhất mà các ngành hàng nông nghiệp nước ta đang hướng tới, để từng bước khẳng định rõ hơn vị thế của nền nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Để tận dụng tốt nhất lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thực hiện các cam kết về biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS); các cam kết thuộc nhóm biện pháp kỹ thuật trong thương mại liên quan đến lao động, môi trường, cạnh tranh lành mạnh… Bên cạnh đó là đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản và gia tăng diện tích, chất lượng sản xuất hữu cơ. Theo tính toán chung, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp nông sản Việt Nam tăng giá trị gấp 1,5 đến 1,8 lần so với sản xuất thông thường. Năm 2019, nước ta xuất khẩu sang châu Âu 150.000 tấn nông sản hữu cơ. Ngoài ra còn xuất khẩu đi các nước Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore…

ÁNH TUYẾT
(Bài và ảnh theo báo Nhân dân)
Messenger
Zalo
Gọi ngay
Form liên hệ

Để lại lời nhắn