Mô hình trồng lúa Nhật tại Thái Bình là ví dụ điển hình về thành công trong việc đưa giống lúa mới với phương thức canh tác hiện đại trên vùng quê lúa, chắp cánh cho hạt gạo Việt đi khắp năm châu.
Xác định thị trường mục tiêu, áp dụng công nghệ cao, tích cực xây dựng thương hiệu gạo Việt là một trong những cách tối ưu được các doanh nghiệp hướng tới nhằm gia tăng sự cạnh tranh cho sản phẩm gạo Việt. Đặc biệt là mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân đang phát huy hiệu quả trên cơ sở đôi bên đều có lợi.
80% gạo xuất khẩu là phẩm cấp cao
Kể từ sau năm 2012, thời điểm Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được chính thức triển khai, diện mạo ngành lúa gạo đã thay đổi và ngày càng có những khởi sắc rõ nét. Nếu như trước đây, gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong sản lượng xuất khẩu và chủ yếu được xuất sang các thị trường giá rẻ, thì nay, đến 80% lượng gạo xuất khẩu là gạo phẩm cấp cao. Bằng việc gia tăng chất lượng, hạt gạo đã tìm được đến các thị trường nhập khẩu khó tính. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh thu đã được nâng lên đáng kể nhờ việc xuất khẩu tập trung chuyển từ lượng sang chất.
Nhận định về sự chuyển mình của ngành lúa gạo kể từ thời điểm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, GS. TS. Võ Tòng Xuân – chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, có sự thay đổi rõ nét về cơ cấu giống và đây chính là nhân tố tạo ra những bước ngoặt cho ngành lúa gạo, góp phần quan trọng nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo.
Phát biểu tại Hội nghị gạo thế giới mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ cảnh thiếu ăn, đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất trên thế giới với lượng xuất khẩu trung bình hàng năm khoảng 5 – 6 triệu tấn gạo. Chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam xuất khẩu ra thế giới 5,82 triệu tấn gạo, tăng 21% so với năm trước và thu về 2,63 tỷ USD, tăng 22%.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một Chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Theo đó, bên cạnh tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo.
Canh tác hiện đại
Một trong những mô hình sản xuất – tiêu thụ lúa gạo hiệu quả hiện nay đang được triển khai tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đó là sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân dưới sự giám sát và hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Mô hình trồng lúa giống Nhật tại tỉnh Thái Bình là một ví dụ điển hình về câu chuyện đưa giống lúa mới với phương thức canh tác hiện đại trên “quê lúa”. Ông Nguyễn Thanh Nhị – Giám đốc Công ty An Đình (Mỹ Hào, Hưng Yên) đã lặn lội suốt nhiều năm qua để phát triển mô hình liên kết với các hộ nông dân gieo trồng giống lúa Nhật và chuyển giao công nghệ canh tác mới cho năng suất cao.
Theo mô hình canh tác này, cấy lúa thưa hơn nhiều so với kiểu truyền thống, chỉ 20 khóm/m2. Cách bón phân cũng rất khác, rút cạn nước để bón phân nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh bị rửa trôi ra môi trường. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật cũng hướng dẫn nông dân bẫy chuột, làm mạ dụ chuột, và che chắn nilon để chuột không chui vào phá lúa, đồng thời duy trì thiên địch trên đồng. Phun thuốc trừ sâu phải theo đúng hướng dẫn và danh mục thuốc được phép sử dụng. Cán bộ kỹ thuật có cảnh báo sâu bệnh sớm để hạn chế phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí và đảm bảo an toàn cho chất lượng lúa.
Từ năm 2013, Công ty An Đình đã ký hợp đồng với một số Hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Thái Bình, trong đó có xã Thượng Hiền (Kiến Xương) và Tây Phong, Vũ Lăng (Tiền Hải) để mang giống lúa Nhật và kỹ thuật gieo trồng hiện đại tới với bà con nông dân tại đây, sau đó thu mua lúa tươi về nhà máy sấy khô, xay sát và đóng gói xuất khẩu.
Phóng viên VOV về quê lúa Thái Bình đúng dịp kỹ sư Nhị đang hướng dẫn bà con nông dân ở Tiền Hải về phương pháp gieo, cấy và bón phân cho lúa. Ông Nhị hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ khiến bà con ai cũng nắm bắt được và tin tưởng làm theo bởi lợi ích của họ cũng gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Ngấn, một nông dân ở thôn Diêm Trì, xã Tây Phong, huyện Tiền Hải cho biết, gia đình chị tham gia trồng lúa Nhật nhiều năm nay, sản lượng rất tốt, đạt từ 2,5-3 tạ/sào. Với giá bán lúa tươi từ 6.000-6.500 đồng/kg, gia đình chị đã có “bát ăn bát để”. Chị Ngấn còn khoe, những hộ nông dân khác còn đạt năng suất cao hơn nhà chị, thậm chí lên tới trên 3 tạ/sào, mà không mất công chăm bón và chi phí cao như cách làm truyền thống.
Ông Lê Duy Thịnh – Phó Giám đốc HTX Vũ Lăng (Tiền Hải, Thái Bình) cho biết, nông dân xã Vũ Lăng bắt đầu gieo giống DS1 từ năm 2013, năng suất rất ổn định, luôn đạt trên 2 tạ/sào, đảm bảo lợi nhuận cho bà con. Nhờ phương pháp canh tác hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chi phí giảm đi, năng suất lại tăng lên, bà con trồng lúa Nhật rất phấn khởi.
Sắp tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô gieo trồng, diện tích đạt trên 50ha vào năm tới, phấn đấu đạt năng suất 2-3 tạ mỗi sào, ông Thịnh cho hay.
Ông Phạm Văn Hiên – nguyên Chủ nhiệm HTX Thượng Hiền (Kiến Xương, Thái Bình) chia sẻ, việc hợp tác với Công ty An Đình đã có từ năm 2010. Trước kia, giá trị gạo xuất khẩu chỉ đạt 400-500 USD/tấn, thì nay, với giống lúa Nhật, giá trị đã tăng lên đến 700-800 USD/tấn.
Lúa Nhật là loại giống lúa “dễ tính”, chịu rét tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng ngon, ông Hiên nhận định. Với kỹ thuật canh tác mới, lợi nhuận của người trồng lúa cũng theo đó mà tăng lên, trước đây chỉ đạt từ 1,2-1,3 triệu đồng/sào, nay đã lên tới 1,5-2 triệu đồng/sào.
“Bén duyên” với cây lúa từ lâu nên tôi luôn về tận địa phương, hướng dẫn bà con theo đúng quy trình canh tác và cam kết hỗ trợ giống, vốn nếu cần thiết để người nông dân yên tâm trồng lúa”, ông Nhị tâm sự.
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Về phía đối tác nhập khẩu gạo từ Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Nhị phấn khởi chia sẻ: Công ty An Đình đã tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu, và hiện là một trong những đơn vị xuất khẩu gạo giống Nhật lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Gạo được trồng tại Việt Nam được xuất khẩu đi khắp thế giới thông qua nhà cung ứng toàn cầu.
Để đưa hạt gạo đến được với người tiêu dùng trên khắp thế giới, theo ông Nguyễn Thanh Nhị, cũng không phải dễ dàng. Hạt gạo Việt phải trải qua quá trình kiểm định rất chặt chẽ của các cơ quan uy tín như Vinacontrol, SGS, OMIC…, phải đáp ứng được tới 400 chỉ tiêu mới có cơ hội “bay” sang Nhật. Ngoài các yếu tố cảm quan như sự tươi mới, không dính tạp chất, dẻo, thơm, cần phải chứng minh hạt gạo không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không có tồn dư kim loại nặng. Và điều quan trọng là nhà sản xuất phải có trách nhiệm đến cùng với người tiêu dùng cuối.
“Khi sản phẩm gạo Việt Nam đến tay người tiêu dùng trên khắp thế giới, nếu họ ăn mà có vấn đề gì thì phía nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm đổi trả, thậm chí phải đền bù”, ông Nhị nói.
Phát biểu tại Hội nghị gạo thế giới vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Lúa gạo là mặt hàng thiết yếu và có ý nghĩa chiến lược đảm bảo an ninh lương thực và có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác chế biến, bảo quản, sơ chế và các sản phẩm chuyên sâu sau gạo. Ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ chính xác trong sản xuất lúa gạo theo hướng gia tăng giá trị, giảm giá thành và bền vững môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính, Thứ trưởng Trần Thành Nam nêu rõ.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm – nhà khoa học nổi tiếng với các giống lúa lai của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để sản xuất bất kỳ nông sản gì cần phải có đủ cơ sở vật chất và thiết bị cần thiết cho từng loại sản phẩm, trong đó bao gồm diện tích nơi sản xuất. Cụ thể là: Để trồng lúa nước phải có nguồn nước tưới đủ, có kênh mương tưới tiêu phù hợp, có trạm bơm đặt đúng vị trí, có đường giao thông cho các loại xe cộ, máy móc, người lao động di chuyển để thực hành sản xuất, để vận chuyển giống, phân bón thuốc trừ sâu, thóc lúa thu hoạch. Phải có mạng lưới điện phục vụ sản xuất, phải có nhà kho, sân phơi, các loại máy móc thiết bị để chế biến sau thu hoạch, kho bảo quản thạm thời, lâu dài… “Muốn bảo vệ sản xuất lúa gạo trước tiên phải bảo vệ những thứ đó”, TS. Trâm nói.
Còn muốn phát triển sản xuất gạo bền vững, TS. Trâm cho rằng, cần phải quan tâm đến các yếu tố nội hàm của sản xuất lúa. Cụ thể là thực hiện tốt các biện pháp canh tác lúa, không được làm “nghèo” hoặc làm ô nhiễm đất trồng lúa; Nguồn nước tưới phải đủ số lượng và tốt về chất lượng (không làm ô nhiễm nguồn nước), kênh mương, trạm bơm… được tu bổ cải tạo nâng cấp định kỳ. Công cụ sản xuất phải được đầu tư nâng cấp thường xuyên (cơ giới hóa, tự động hóa từng khâu công việc dần dần nâng lên toàn bộ quá trình sản xuất). Đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống thích đáng để luôn có giống mới năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận tốt hơn…làm cơ sở để trong thời gian từ 7-10 năm có thể đưa giống mới ưu việt hơn thay thế cho giống cũ 1 lần.
Về việc một số doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với Nhật Bản để sản xuất lúa Japonica ôn đới theo công nghệ của Nhật Bản chuyển giao rồi làm gạo bán lại cho Nhật Bản, theo nhận định của TS. Trâm, là tốt. Hơn 10 năm gần đây, các nhà khoa học Việt Nam đã nhập nội đánh giá và tuyển chọn được một số giống Japonica nhiệt đới cải tiến như DS1, ĐS3, QJ1, J01, J02, J03… có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng hơn, đưa vào sản xuất để xuất khẩu với giá cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, TS. Trâm cũng lưu ý: Những vùng trồng các giống này cần được đầu tư đồng bộ từ khâu trồng trọt đảm bảo sản xuất sạch đến khâu thu hoạch, tuốt, làm sạch, phơi sấy, lưu kho, chế biến gạo, đóng bao, xuất khẩu…Những mô hình sản xuất như vậy sẽ trở thành những bài học tốt lan tỏa đến các vùng sản xuất lúa hàng hóa khác, dẫn dắt nông dân thay đổi cách tổ chức sản xuất, kỹ thuật canh tác để sản xuất ngày càng tốt hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.