Ký sự: Cuộc hội ngộ giữa An Đình và cha đẻ của giống gạo ngon nhất thế giới ST25

Về miền tây, đi sâu vào vùng lõi giáp gianh giữa ba tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau. Đây là một khu vực rộng lớn, cái rốn của ĐBSCL, nơi kênh rạch chằng chịt, sóng nước rập rờn. Phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân là ghe (vỏ), dọc theo bờ kinh là những con đường dài heo hút. Nhà ở của người dân nằm rải rác bám theo những bờ kênh. Nơi đây có đến 30% là người Khơ me, họ sống xen kẽ hòa thuận với người Kinh, người Khơ me và người Kinh cũng lấy nhau và sinh con đẻ cái, thế hệ con cháu nói được cả hai thứ tiếng.

Sinh kế của người dân là nguồn lợi thủy sản như tôm cua ốc ếch đánh bắt ngoài tự nhiên. Ở vùng trũng này, nước biển luôn xâm nhập sâu vào đất liền, pha trộn với nước ngọt thành một vùng nước lợ bao la. Cây trái không có nhiều ngoài họ hàng nhà dừa và những cây lạ hoắc chẳng biết tên. Nông dân có nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm sú, hay tôm thẻ chân trắng. Nhìn bao quát, mình nghĩ rằng đây là vùng đất được khai khẩn từ xa xưa nên dân cư tương đối đông đúc. Người dân không có nhiều ruộng như ở Kiên Giang (Kiên Lương, Hòn Đất). Một hộ nhiều cũng chỉ có vài chục công ruộng (vài ha).

Từ ngày có ST20, ST24, ST25, giống lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao trong điều kiện nước lợ, người nông dân có cuộc sống khấm khá hơn. Họ biết kết hợp nuôi tôm và cấy lúa. Trên những mảnh ruộng của mình, họ đào vét xung quanh thành những cái rạch sâu rộng chừng 5 mét, nơi có thể thả tôm quanh năm ngay cả vào mùa khô – hạn hán. Lúa chỉ cấy một vụ duy nhất. Tôm sống tự nhiên dưới rãnh, thức ăn của chúng là những động vật thủy sinh trong ruộng lúa hoai muc.

Vào đầu tháng 7 âm lịch, tôm giống bé xíu như đầu tăm được thả vào rãnh, sau đó 1 tháng thì lúa cũng được sạ trên mặt ruộng phẳng phiu. Một tháng sau, cây lúa lớn lên cũng là lúc người nông dân cho nước vào để tôm con có thể bơi lên ruộng lúa, môi trường sống được dàn trải ra cả ruộng, tôm lớn rất nhanh, hầu như không có bệnh. Trước khi thu hoạch lúa, nước lại được rút cạn để tôm tụt xuống hết rãnh. Thu hoạch lúa xong, nông dân cho nước vào ngập băng ruộng để rơm rạ hoai mục, khi đó các loài tảo, động vật thủy sinh phát triển là nguồn thức ăn dồi dào cho tôm.

Nông dân thu hoạch tôm theo cách rất đặc biệt. Họ be ngăn đôi rãnh và đặt nhiều cái Lú, giống cái Đó ở ngoài Miền Bắc. Cái Lú này có hai hom ngược chiều nhau. Khi nước chảy ra, chảy vào theo thủy triều, tôm sẽ ngược dòng mà chui vào Lú. Sáng ra họ chỉ việc thu gom Lú về, bán cho thương lái. Mỗi lần thu hoạch, ít là vài kg, nhiều thì cả chục ký. Nông dân bắt tôm như vậy quanh năm, mỗi ngày một ít nên thường không bị ép giá.

Mình hỏi anh Vũ được biết 1 kg tôm sú khoảng 150 nghìn trong khi tôm thẻ chỉ vài chục ngàn đồng. Thịt tôm sú dai dai, ăn ngon hơn, bởi hoàn toàn tự nhiên còn tôm thẻ thì được chăn nuôi công nghiệp. Một héc ta lúa, trung bình nông dân có thể thu hoạch được 500 – 800 kg tôm sú, tính ra cũng đc ngót 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra họ còn thu hoạch được 7-8 tấn lúa ST24 ước cũng thêm khoảng 50 tr đồng. Đây là mức thu nhập rất cao nếu so sánh với sản xuất bất cứ cây trồng nào khác ở vùng này.

  1. Nói qua về ST24, ST25 đây là những giống lúa tuyệt vời cho vùng nước lợ, năng suất cao mà ít bệnh, cơm cực ngon. ST24 được bình chọn là top 3 loại gạo ngon nhất thế giới năm 2017 còn ST25 là giống ngon nhất thế giới năm 2019.

Cả hai giống đều do anh hùng lao động Hồ Quang Cua chọn tạo ra, một người nổi tiếng nhưng rất đỗi bình dị. Gặp anh Cua, anh kể, có một số Doanh nghiêp kinh doanh giống muốn mua bản quyền giống ST 24 & ST25 và mua cả anh ấy luôn bằng rất nhiều tiền nhưng anh không bán, đơn giản chỉ là lo nông dân sau này lại mua phải giống đắt. Mình nghe mà thấy cảm động. Trong thời buổi kim-tiền như thế này có một chính nhân quân tử như anh thật hiếm !

Vì lúa ST24 cấy trong vuông tôm mà tôm lại là nguồn thu chính nên vô hình chung lúa ST24, ST25 được kiểm soát chặt chẽ về nguồn nước, phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Phun xịt hay bón phân bừa bãi sẽ làm tôm chết hàng loạt, nông dân thua lỗ ngay. Các loại gạo này sạch và ngon đặc biệt có lẽ cũng chính vì lý do này.

  1. Tới huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đúng vào buổi trưa, hai anh em (mình với anh Kim) được nông dân mời nhậu. Đây là cơ sở sản xuất lúa – tôm được anh Hồ Quang Cua giới thiệu để liên kết sản xuất lúa ST24.

Đồ nhậu được chuẩn bị vội vàng với 100% sản vật địa phương. Đó là thịt chuột rang (với lá gì mình không biết), cá lóc, lươn nấu với thân cây chuối và tôm sú hấp. Đồ uống cũng rất độc đáo, rượu gạo nấu ngâm với gạo tím ST. Trước khi uống, anh Vũ chủ nhà bốc một nắm gạo cho vào ngâm, chỉ 15 phút sau từ chai rượu trắng đã biến thành một chai rượu đỏ sậm bắt mắt, uống thì rất ngon, ngòn ngọt, thanh thanh. Cuộc nhậu kéo dài từ trưa đến chiều, nông dân đến mỗi lúc một đông, cả người Khơ me và người Việt. Mình ngồi gần với một anh tên Tổng, được anh tiếp rượu và tôm sú liên tục. Anh Tổng bảo cứ ăn thoải mái đi, món này anh em ở đây chán ngấy rồi. Mình quan sát thấy người dân ở đây rất hay, khi các ông chồng có cuộc nhậu thì các bà vợ cũng kéo đến cổ vũ. Chị em xúm xít nấu nướng, mâm bát cho những ông chồng khoanh chân yên vị xong thì cũng xà xuống nhậu, nâng ly dzô dzô liên tục. Mình uống cầm chừng thì bị chị chủ nhà (vợ anh Vũ) cười bảo “phong độ thế kia mà sao yếu xìu vậy” .

Buổi họp – nhậu với nông dân đến hồi kết thúc khi mà mọi người đã no say, bịn rịn. Tất cả đều mong muốn có một sự hợp tác lâu dài, bền vững, điều đó chắc chắn sẽ đem lại lợi ích tốt hơn cho nông dân và doanh nghiệp. Và cuối cùng những hạt gạo ngon nhất thế giới, được sản xuất theo một quy trình tự nhiên – an toàn này sẽ tới tay người tiêu dùng với giá cả hết sức hợp lý.

Tạm biệt Hồng Dân và những người nông dân cần cù chất phác. Chúng tôi sẽ quay lại ngay để triển khai những công việc tiếp theo khi một mùa vụ mới đang đến rất gần !

Kỹ sư Nguyễn Thanh Nhị.

Messenger
Zalo
Gọi ngay
Form liên hệ

Để lại lời nhắn