24 thương nhân có trụ sở chính tại 12 tỉnh, thành phố không xuất khẩu gạo trong 18 tháng liên tục. Theo quy định, các thương nhân này sẽ bị rút giấy chứng nhận nhưng vì dịch COVID-19 nên Bộ Công Thương không tính thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch vào 18 tháng theo quy định.
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệp hội Lương thực Việt Nam; các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về thúc đẩy xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch COVID-19.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh ký nêu rõ, thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, 24 thương nhân có trụ sở chính tại 12 tỉnh, thành phố không xuất khẩu gạo trong 18 tháng liên tục, bao gồm: An Giang (5), Bạc Liêu (2), Cần Thơ (2), Đồng Tháp (3), Hà Nội (1), Hậu Giang (1), Kiên Giang (3), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Thái Bình (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (3).
Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 8 Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo: “Bộ Công Thương xem xét, quyết định việc thu hồi Giấy chứng nhận trong các trường hợp sau:…d) Thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 18 tháng liên tục, trừ trường hợp thương nhân đã thông báo tạm ngừng kinh doanh theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, trên cơ sở trao đổi với các địa phương liên quan và xem xét, đánh giá tình hình hoạt động của các thương nhân xuất khẩu gạo nêu trên, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và kịp thời tận dụng cơ hội nhập khẩu từ thị trường thế giới, Bộ Công Thương quyết định không tính thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 (tương đương khoảng 6 tháng) vào thời hạn 18 tháng quy định.
Thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất lúa, chỉ đạo việc cung ứng vật tư, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, chỉ đạo việc mua thóc gạo trực tiếp từ người sản xuất và mua thông qua hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo lý với người sản xuất theo chính sách hiện hành của Nhà nước trên địa bàn.
Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác theo dõi hoạt động của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn và kịp thời báo cáo khi có biến động bất thường và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu gạo trên địa bàn.
Với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Bộ Công Thương đề nghị tăng cường nắm sát tình hình thị trường; tiếp tục báo cáo cập nhật tình hình giá thóc, gạo trong nước; giá thóc, gạo xuất khẩu; lượng gạo tồn kho của hội viên Hiệp hội và kịp thời đề xuất các giải pháp cần thiết trong công tác điều hành để thúc đẩy xuất khẩu, giữ và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo. Đồng thời, chỉ đạo các hội viên của Hiệp hội trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, nâng cao năng lực thị trường, chủ động giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tích cực triển khai xây dựng vùng nguyên liệu theo chính sách của nhà nước để đảm bảo xây dựng nguồn nguyên liệu chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo, trách nhiệm và nghĩa vụ được quy định…